Xem Nhiều 4/2024 # Nghệ An: Phát Triển Đội Tàu Khai Thác Hải Sản Giai Đoạn 2016 /️ 2020, Tầm Nhìn 2030 # Top Yêu Thích

Trong những năm qua, kinh tế thủy sản tỉnh Nghệ An có bước phát triển khá, giá trị sản xuất thủy sản tăng bình quân hàng năm 6,32%/năm trong giai đoạn 2006- 2015; sản lượng khai thác hải sản ngày càng tăng do sự tăng lên đáng kể của lực lượng tàu thuyền khai thác, nhất là các loại tàu thuyền có công suất trên 90CV. Tuy nhiên, việc phát triển các loại tàu thuyền có công suất lớn còn mang tính tự phát gây lãng phí và thiếu hiệu quả cho ngư dân khi đầu tư đóng mới tàu thuyền, đồng thời sự phát triển tự phát của các loại tàu thuyền có công suất nhỏ dẫn đến suy giảm và cạn kiệt nguồn lợi thủy sản vùng ven bờ. Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Nghệ An đã xây dựng Đề án phát triển bền vững đội tàu khai thác hải sản tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016-2020 và tầm nhìn đến 2030, ban hành kèm theo Quyết định số 5896/QĐ-UBND ngày 26/11/2016.

Nghệ An: Phát triển đội tàu khai thác hải sản giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn 2030

Ảnh minh họa

Theo đó, mục tiêu của Đề án là phát triển đội tàu khai thác trên cơ sở ưu tiên phát triển đội tàu công suất lớn, đánh bắt các đối tượng chủ lực có giá trị kinh tế cao, các nghề khai thác có tính chọn lọc cao, thân thiện với môi trường theo hướng nâng cao hiệu quả. Từng bước hiện đại hóa đội tàu khai thác, thay thế vỏ gỗ bằng vỏ sắt, vật liệu mới. Nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng công nghệ kỹ thuật mới trong khai thác, đánh bắt và bảo quản sản phẩm trên tàu. Bên cạnh đó, phát triển lợi thế nguồn lợi biển tại các vùng khơi có tiềm năng lớn của Vịnh Bắc Bộ, miền Trung và vùng biển Hoàng Sa, giảm cường độ khai thác ven bờ. Từng bước giảm số tàu thuyền <20 CV và những nghề khai thác ảnh hưởng đến nguồn lợi như nghề lưới kéo, nghề te, xăm,.., khai thác bất hợp pháp, kém hiệu quả ở vùng ven bờ. Tập trung chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng bãi ngang sang nuôi trồng thủy sản, dịch vụ, chế biến thủy sản, chăn nuôi, trồng trọt và một số ngành nghề thích hợp khác. Đồng thời phát triển khai thác hiệu quả, gắn với bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản, từng bước kiểm soát hoạt động của các đội tàu thông qua giấy phép khai thác. Tăng cường công tác chỉ đạo khai thác theo ngư trường, mùa vụ và tập trung sản xuất theo tổ đội, theo nghề. Tăng cường tuyên truyền phổ biến các quy định của pháp luật, thả bổ sung các giống thủy sản ra biển nhằm phục hồi và tái tạo nguồn lợi.

Để đạt được các mục tiêu trên, nhiệm vụ chủ yếu của tỉnh Nghệ An trong thời gian tới là: cần giải bản 279 tàu dưới 20CV trong giai đoạn 2016-2020, giai đoạn 2020-2025 và 2030 mỗi năm trung bình giải bản 50 chiếc. Loại 20-50CV, mỗi năm giải bản 20 chiếc trong giai đoạn 2016-2020; giai đoạn 2020-2025 và 2030 giải bản trung bình mỗi năm 17 chiếc.

Về cải hoán tàu cá: loại từ 20-50CV cải hoán lên loại từ 50-90CV trong giai đoạn 2016-2020 trung bình mỗi năm 15 chiếc; giai đoạn 2020-2030 mỗi năm cải hoán 13 chiếc. Loại từ 90-250 CV cải hoán lên loại 250-400CV trong giai đoạn 2016-2020 trung bình mỗi năm 10 chiếc. Cải hoán lên loại trên 400CV trong giai đoạn 2016-2020 mỗi năm 15 chiếc. Loại từ 250-400CV cải hoán lên loại trên 400CV chỉ thực hiện trong giai đoạn 2020-2030, trung bình mỗi năm 17 chiếc. Về đóng mới tàu cá, loại 250-400CV trong giai đoạn 2016-2020, trung bình mỗi năm 20 chiếc. Loại trên 400CV mỗi năm 35 chiếc trong giai đoạn 2016-2020; và 54 chiếc/năm trong giai đoạn 2020-2030.

Về cơ cấu nghề nghiệp, đối với tàu thuyền dưới 20CV đánh bắt gần bờ, tập trung chuyển đổi sang nghề lưới rê, cơ cấu nghề nghiệp vùng ven bờ đến năm 2020 theo tỷ lệ 80% nghề lưới rê (1.040 chiếc), 20% còn lại là những nghề thân thiện khác như: câu, mành, vó và ổn định tỷ lệ này đến 2030. Đối với tàu thuyền vùng lộng, loại 20-50CV đánh bắt giáp vùng ven bờ: Cơ cấu nghề chủ yếu đến năm 2020 tập trung ở 4 nhóm nghề: Nghề vây (40%), nghề câu (10%), nghề rê (40%), nghề chụp (10%), và ổn định cơ cấu nghề đến năm 2030. Loại 50-90CV đánh bắt vùng lộng: Cơ cấu nghề chủ yếu đến năm 2020 như sau: Nghề lưới kéo (30%), nghề vây (40%), nghề câu (10%), nghề rê (20%).

Đối với tàu thuyền xa bờ, tỉnh Nghệ An khuyến khích phát triển các nghề vây, câu, chụp, rê. Cơ cấu nghề nghiệp đến năm 2020 như sau: nghề vây: 40% (đội tàu lưới vây là 640 chiếc), nghề câu 20% (đội tàu nghề câu có 320 chiếc), nghề chụp 20% (đội tàu nghề chụp: 320 chiếc), nghề rê 20%  (đội tàu lưới rê: 320 chiếc). Với tàu thuyền đánh bắt xa bờ việc đánh bắt ở các ngư trường thường thay đổi theo từng mùa vụ, bên cạnh đó, có nhiều tàu thuyền có thể kiêm nghề, vì vậy cơ cấu nghề nghiệp và ngư trường mùa vụ khai thác có tính chất định hướng, không cụ thể hóa một cách chính xác mà chỉ ước lượng theo tỷ lệ tương đối.

(Theo Tổng Cục Thủy Sản)

Cùng Chuyên Mục
Bài Viết Trước
Bài Viết Sau