Xem Nhiều 4/2024 # An Giang: Bất Cập Chợ Đầu Mối Thủy Sản # Top Yêu Thích

Gần trăm thương lái buôn bán sỉ thủy hải sản ở thành phố Long Xuyên (An Giang), sau mấy lần di dời vì chỉnh trang đô thị, về mở tạm trên đường phố thuộc phường Mỹ Long, gây nhiều bất ổn. Chính quyền địa phương quy hoạch xây dựng chợ đầu mối thủy hải sản, trải thảm đỏ mời gọi nhà đầu tư. Giữa năm 2015, chợ đầu mối thủy hải sản Bình Khánh hoàn thành, tuy nhiên, đến nay vẫn bất ổn.

Chợ đầu mối thủy, hải sản Bình Khánh nhìn từ sông Hậu

Chợ đầu mối thủy, hải sản Bình Khánh nhìn từ sông Hậu Ảnh: Sáu Nghệ 

Một chợ thành hai chợ

Theo quyết định quy hoạch hệ thống chợ của UBND tỉnh An Giang, ngày 25/11/2008; đến năm 2020: “Hình thành 3 chợ đầu mối chuyên doanh bao gồm: 1 chợ đầu mối lúa gạo, 1 chợ đầu mối thủy sản và 1 chợ đầu mối rau, đậu. Các chợ đầu mối bán buôn nông sản sẽ trở thành trung tâm thúc đẩy các loại hình bán lẻ nông sản khác như các cửa hàng tiện lợi, chợ bán lẻ, siêu thị”.

Chợ đầu mối thủy, hải sản được đặt ở phường Bình Khánh, bên bờ sông Hậu, thuận tiện trên bến dưới thuyền, cách chợ tạm chừng 4 km. Đầu tư chợ Bình Khánh là Công ty TNHH Châu Việt Long. Giám đốc Châu Việt Long cho biết, chợ rộng hơn 6.000 m2, đầu tư hơn 20 tỷ đồng, có 7 cầu tàu đón ghe thuyền, bãi xe tải và hệ thống xử lý nước thải hoàn chỉnh. “Chính quyền liên tục đốc thúc hoàn thành để chào mừng đại hội Đảng các cấp, nên chúng tôi cố gắng hết mình”, ông Long nói.

Một cầu tàu ở chợ đầu mối thủy, hải sản Bình Khánh

Một cầu tàu ở chợ đầu mối thủy, hải sản Bình Khánh   Ảnh: Sáu Nghệ

UBND tỉnh An Giang cũng có nhiều công văn đốc thúc xây dựng chợ đầu mối thủy, hải sản Bình Khánh. Chợ hoàn thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Võ Anh Kiệt chỉ đạo: “Di dời chậm nhất là ngày 10/11/2015”. Thế nhưng, ngày 9/11/2015, Chủ tịch UBND tỉnh Vương Bình Thạnh lại yêu cầu dừng việc di dời chợ tạm.

Hóa ra, ngày 16/6/2015, Chủ tịch Thạnh đã chỉ đạo cho Công ty TNHH Đầu tư và Chế biến Lương thực Thiên Ngọc xây dựng “khu thương mại dịch vụ dân cư phường Mỹ Thới”. Ở đó có “chợ đầu mối nông sản kết hợp một phần thủy, hải sản”, chưa hoàn thành. Như thế là thành phố Long Xuyên đã ra đời hai chợ đầu mối thủy, hải sản. Chủ tịch Thạnh yêu cầu dừng di dời chợ tạm vào chợ Bình Khánh để chờ chợ Mỹ Thới hoàn thành, cho thương lái chọn chợ di dời.

Nhưng dân phố và thương lái đã quá khổ vì chợ tạm kéo dài nhiều năm, nên đòi di dời sớm. Chủ tịch Thạnh nhượng bộ, chỉ đạo ngày 9/12/2015, đóng cửa chợ tạm để dời vào chợ đầu mối thủy hải sản Bình Khánh. Chủ chợ Mỹ Thới cũng tìm cách lôi kéo thương lái về với mình. Việc buôn bán thủy, hải sản đầu mối vì thế phần nào vẫn rời rạc, khó khăn.

Nhiều mong muốn

Chợ đầu mối nông sản kết hợp một phần thủy, hải sản Mỹ Thới

Chợ đầu mối nông sản kết hợp một phần thủy, hải sản Mỹ Thới  Ảnh: Sáu Nghệ 

Sự không thống nhất của chính quyền địa phương từ quy hoạch đến kêu gọi đầu tư xây dựng chợ đầu mối thủy, hải sản còn gây ra tình trạng khiếu nại kéo dài. Mới đây, ngày 28/2/2017, trả lời khiếu nại của công dân, UBND thành phố Long Xuyên có công văn cho rằng: “Qua rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành thì không có quy định cụ thể về số lượng chợ thuộc loại này trên địa bàn cấp huyện. Ngoài ra, tại các buổi làm việc với nhà đầu tư, thành phố Long Xuyên không cam kết chỉ có một chợ thủy, hải sản thành phố Long Xuyên”.

Giám đốc Công ty Châu Việt Long bức xúc: “Trong văn bản kêu gọi đầu tư của UBND thành phố Long Xuyên ngày 9/2/2015, nêu là đang có 3 nhà đầu tư đề nghị xây dựng chợ đầu mối thủy, hải sản ở Bình Khánh, Bình Đức, Mỹ Thới và UBND thành phố Long Xuyên đã chọn Bình Khánh. Chính vì tin tưởng việc lựa chọn của lãnh đạo thành phố nên chúng tôi mới mạnh dạn đầu tư, chứ thành phố nhỏ này mà có 2 – 3 chợ đầu mối thủy, hải sản thì chắc chắn chúng tôi không đầu tư”.

Rõ ràng, trong kêu gọi đầu tư, sự không thống nhất trong quyết định của chính quyền địa phương đã không chỉ khiến chủ đầu tư chợ Bình Khánh mà cả chủ đầu tư chợ Mỹ Thới là Công ty TNHH Đầu tư và Chế biến lương thực Thiên Ngọc gặp khó khăn. Như tên gọi “khu thương mại dịch vụ dân cư phường Mỹ Thới” là một khu đa năng, rộng 10,44 ha, giai đoạn một xây dựng 6,74 ha với nhiều hạng mục, trong đó chợ “kết hợp một phần thủy, hải sản” chỉ chiếm diện tích nhỏ. Vốn đầu tư lớn mà thiếu tập trung, lại bị đẩy vào việc tranh giành thương lái nên các công trình chưa đưa lại hiệu quả. Khu này, đến nay vẫn chưa hoàn thành thủ tục đất đai, còn chủ đầu tư Thiên Ngọc lâm nợ với ngân hàng, đang bị kiện ra tòa.

Những điều phân tích trên cho thấy, đã gây ra rủi ro lớn và phần nào ảnh hưởng đến môi trường đầu tư. Nhiều thương lái kinh doanh thủy, hải sản bày tỏ, buôn bán ở chợ đầu mối có tàu, xe vận tải liên quan mạng lưới kinh doanh rộng lớn, phải tập trung và ổn định mới có thể phát triển. Nên mong chính quyền địa phương nhất quán quy hoạch để hỗ trợ đầu tư có hiệu quả, loại bỏ những gì làm nản lòng nhà đầu tư và thương lái kinh doanh thủy hải sản.

Theo Sáu Nghệ – Thủy sản Việt Nam

Cùng Chuyên Mục
Bài Viết Trước
Bài Viết Sau